Những ngày này, thông tin về dịch bệnh rất nhiều. Theo đó cũng có rất nhiều người có các chuyên môn liên quan đến y tế, dịch tễ, quản lý, truyền thông.. đưa ra ý kiến của họ về cách hiểu và đối diện với đại dịch. Suốt thời gian qua, chúng tôi chỉ đọc và tìm hiểu chứ tuyệt nhiên không tham gia vào các tranh luận trên mạng xã hội. Đơn giản vì nó không thuộc chuyên môn của mình.

Nhưng một hôm, sau nhiều ngày đọc các nghiên cứu, chúng tôi nhận ra theo một cách nào đó thì con virus bé xíu này lại có thể chính là người thầy lớn mà tự nhiên gửi đến, để dạy mỗi người chúng ta làm công việc của mình theo một cách đúng đắn hơn.

Nói ngắn gọn, với chúng tôi, Covid dạy ta cách xây nhà qua 5 bài học đơn giản.

.

1. Thông gió.

Virus Corona có thể sống và lây lan trong không khí, nếu nhiệt độ và độ ẩm thích hợp. Trùng hợp nơi có nhiệt độ và độ ẩm phù hợp cho virus sinh sống lại chính là phòng máy lạnh. Không phải tự nhiên mà tất cả bác sỹ đều khuyên chúng ta hãy mở cửa sổ thông thoáng, tắt máy lạnh và sử dụng quạt.

Chưa kể đến nguy cơ lây lan của virus qua hệ thống thoát chất thải của các nhà cao tầng, khi quạt hút mùi ở một căn hộ có thể gián tiếp đưa dịch bệnh đến các căn hộ khác theo trục đứng.

Một căn nhà có thông gió tự nhiên tốt luôn luôn nên là một ưu tiên hàng đầu khi bắt đầu tạo ra các không gian sống. Nhiều người xây nhà, chỉ đi tìm cái đẹp mà quên mất cái tốt, bỏ qua các nguyên lý cơ bản về vật lý kiến trúc lẫn hình thành không gian.

Ngoài việc giúp đối lưu trao đổi không khí sạch với bên ngoài, thông gió tự nhiên còn tiết kiệm năng lượng, tạo môi trường dễ chịu cho người sử dụng. Đây chính là thứ mà nhiều công trình hiện đại đã bỏ quên.

.

2. Ánh sáng tự nhiên.

Ánh sáng tự nhiên khác với ánh sáng nhân tạo ở một điểm rất quan trọng, là nó đến từ cửa sổ. Bạn có thể thấy ý này dường như trùng với ý ở trên, nhưng không phải. Ngoài việc hỗ trợ thông gió, cửa sổ hay giếng trời còn giúp đưa ánh sáng mặt trời chứa tia UV và nhiệt độ vào nhà. Đây là 2 yếu tố quan trọng gây phân rã và bất hoạt virus corona.

Tia UV tác động cực mạnh đến vi khuẩn và virus, nhưng ở một cường độ hợp lý trong nhà thì hoàn toàn vô hại với con người. Tương tự như vậy, nhiệt độ mặt trời giúp giảm độ ẩm trong không khí, ức chế môi trường sống và lây lan của dịch bệnh.

Khi phát tán trong không khí, các virus thường nằm trong "lớp vỏ" bằng màng mỡ, dưới dạng các hạt li ti. Ở nơi có gió và nắng, các hạt này nhanh chóng tan đi, khiến virus tan rã. Đây cũng là lý do xịt khử khuấn ngoài trời là không cần thiết, vì không có virus ngoài đó.

Một món quà kèm thêm, bên cạnh tác động cụ thể đến virus corona, ánh sáng mặt trời còn tác động đến phần lớn các loại virus và vi khuẩn gây bệnh truyền nhiễm khác. Đây chính là một biện pháp khử khuẩn tự nhiên và hiệu quả cho nhà ở.

.

3. Sân vườn.

Một mô hình bao quát hơn của cửa sổ và giếng trời chính là sân vườn. Cả sân trước, sân sau, sân trong hay sân trên mái.. Bên ngoài việc tác động tạo ra môi trường thông gió tốt, có ánh sáng tự nhiên và nhiệt độ tốt cho sức khỏe, sân vườn còn tác động đến tâm lý, hành vi sống, đồng thời mang lại các giá trị tinh thần.

Sân vườn và cây cối là lý do quan trọng chúng ta giảm thời gian ở trong máy lạnh. Đây còn là liệu pháp đơn giản chữa lành tinh thần qua việc chăm sóc cây cỏ, hồ cá, tập thể dục, hoặc đơn giản là đi lại bên trong sân và bên dưới cây xanh.

Một căn nhà có nhiều sân vườn để kết nối các không gian sống, cũng chính là một căn nhà mà các không gian bên trong tự “giãn cách” với nhau. Muốn đi từ khu vực này qua khu vực khác, thay vì chỉ gói gọn trong một môi trường khép kín và thông gió cục bộ, thì lúc này căn nhà trở thành nhiều không gian nhỏ biệt lập. Các hành lang mở và sân trong khi đó đóng vai trò như những “trạm khử trùng” tự nhiên, tránh biến không gian sống trở thành vườn ươm cho sự sinh sôi của virus.

Vườn còn có thể trở thành một mô hình nông nghiệp cỡ nhỏ, tự cung tự cấp cho một vài gia đình. Nếu đã từng trải qua nỗi lo thiếu thực phẩm hay lên cơn đau tim với giá rau củ những ngày giãn cách vì đường vận chuyển thực phẩm bị gián đoạn, bạn sẽ hiểu giá trị của một mô hình trồng trọt quy mô nhỏ tại nhà.

.

4. Nhà là nơi để ở.

Những ngày này, phải ở nhà giãn cách với xã hội chắc chắn là khó khăn với nhiều người, nhưng nếu bạn may mắn ở trong một căn nhà được thiết kế tốt, với không gian thay vì đóng kín tuyệt đối giữa các vách betong, thì xen lẫn các không gian mở, cây cối và vườn tược, lúc này hẳn bạn sẽ nhận ra những gì mình đang có lúc này là vô giá.

Không gian để trải nghiệm cuộc sống không nhất thiết phải tỉ lệ thuận với diện tích xây dựng.

Những căn nhà bề thế sang trọng, chất đầy đồ đạc đắt tiền, nhưng mở máy lạnh rì rầm cả ngày và không có gió đi qua. Những hành lang tối không ánh sáng trời và những căn phòng không có cửa sổ kể cả có là phòng ngủ. Hệ thống thông gió bí bách, sai nguyên tắc hoặc phụ thuộc hoàn toàn vào thiết bị điện. Những giếng trời cùng mái hiên che kín không mưa nắng, những ban công không bao giờ đặt chân ra. Tất cả tạo nên một tổng thể nuôi nhốt hoàn hảo người chủ nhà cùng virus, nơi một phía lo sợ và phía còn lại mặc sức sinh sôi.

Chưa kể đến nhiều người đã quen với việc xây nhà để tiếp khách chứ không phải để cho mình vui sống. Họ ra khỏi nhà bất cứ khi nào có thể, để ăn uống, vui chơi, làm việc, nghỉ dưỡng, tận hưởng cuộc sống.

Họ hoàn toàn quên mất rằng tất cả những điều đó đều có thể làm ở nhà, bởi vì căn nhà mà họ xây không đủ sức nhắc họ nhớ. Vì căn nhà không ôm ấp họ, không nuôi dưỡng đời sống của họ, không làm họ lưu luyến khi rời đi. Và dĩ nhiên, vì đó cũng không làm họ hạnh phúc khi ở bên trong nơi chốn.

.

5. Nghĩ về cách ông bà ta làm.

Thật thú vị khi tất cả những điều trên, tưởng xa xôi mà vô cùng gần gũi, tưởng mới nhưng thực ra lại xưa cũ đến ngạc nhiên. Đó chính là mô hình những căn nhà của ông bà chúng ta dựng, hay chính là những căn nhà nhỏ còn lưu lại ở vùng thôn quê mộc mạc.

Thời hiện đại, thay vì làm tốt hơn thì chúng ta lại khiến mọi chuyện tệ đi hơn, bởi vì sự chi phối của vật chất, công nghệ và cách mà ta sống.

Ngày xưa, vì không có máy lạnh hay quạt máy, ông bà ta xây nhà luôn ưu tiên gió vào. Nhà có cửa trước cửa sau, cửa sổ có thể có 2-3 lớp để điều tiết lượng gió.

Vì không tiết kiệm điện hoặc đường điện không ổn định, họ cũng ưu tiên những cửa sổ lớn và ánh sáng mặt trời hay giếng trời bất cứ khi nào có thể. Giếng trời của ông bà mình thường mở rộng phái trên sân trong, bên dưới là những mái hiên hoặc chái bếp. Vừa là để có mưa vào lấy nước dùng sinh hoạt, vừa là nơi trồng cây cảnh, ngồi rề rà chè thuốc.

Vì đất rộng, cũng là vì không có các nhu cầu giải trí hiện đại, và hơn hết là vì yêu quí tự nhiên bởi hầu hết đều gắn cuộc đời với việc làm nông, ông bà mình luôn dành rất nhiều đất đai cho cây cối. Cây cối vì thế mà sống lâu và vươn cao, cho quả, cho bóng mát, che chở căn nhà.

Hơn tất cả, ông bà chúng ta xây nhà để ở, có để khoe thì cũng khéo léo, ý nhị chứ không hề phô trương. Vì họ dành gần như toàn bộ thời gian nghỉ ngơi mỗi ngày ở đó. Họ sinh hoạt, sống và tận hưởng phần lớn cuộc đời mình dưới mái nhà. Họ xem nhà là nơi chốn chứ không phải tài sản. Cũng vì vậy, họ thương yêu nó, chăm sóc nó, xây dựng nó trở thành một phần đời sống của mình.

Và trở thành ký ức của nhiều cuộc đời sau đó, chính là chúng ta.

.

Vậy nếu có một điều gì đại dịch này đang cố gắng dạy cho chúng ta trong cách xây cất nhà cửa, thì có lẽ, chính là tranh thủ quãng thời gian này để ngồi lại bên trong chính căn nhà của mình, từ đó nhìn về quá khứ - hiện tại - tương lai của một nơi chốn. Để học lại lần nữa từ quá khứ, từ những uyên nguyên.

-House on Tree-

______

Lưu ý:

. Để bài viết trở nên đơn giản và dễ đọc, chúng tôi gọi tên dịch bệnh là Covid, và tên virus là Corona. Tránh việc phải đề cập đến các từ chuyên ngành về y học và dịch tễ học như Covid-19 hay Sars-Cov-2. Cách gọi này bao hàm các chủng biến thể, các cách đặt tên khác của dịch bệnh.

. Bài viết này cũng xin không đi sâu vào các tranh luận chuyên môn y tế, chỉ là một tổng hợp gần gũi các nguồn thông tin chính thống, được giản lược để tập trung vào vấn đề chính xoay quanh kiến trúc, xây dựng mà thôi.

. Ảnh chụp là phòng làm việc tại nhà của Nhà Trên Cây, mùa giãn cách.

Follow us on