Bão lũ lại về, trên TV, báo đài, hoặc ngay bên ngoài cửa sổ một ai đó mà ta quen biết. Cả miền Trung lại chìm trong biển nước. Vậy bạn có thể làm gì cho miền Trung ?


Để tôi nói bạn nghe, thành thực, bạn chẳng thể làm gì cho mảnh đất ấy, hoàn toàn không gì cả. Trước khi trở nên bực tức, xin hãy đọc kỹ câu hỏi lần nữa. Bạn có thể làm nhiều thứ cho người dân nơi đó, có thể gửi cho họ những gói cứu trợ với thức ăn, áo ấm, thuốc men hay tiền bạc.., nhưng xin thưa, bạn không thể làm gì để những cơn bão lũ thôi kéo về tàn phá đều đặn mỗi năm, ngoài việc chấp nhận chúng.


Nói rộng ra, thậm chí bạn cũng không thể làm gì cho quê hương này. Như một bức tranh vốn từng đẹp và quí giá trong những câu chuyện kể lại, rồi đến lúc bạn được chạm vào thì nó đã bị ai đó đem treo ngoài mưa nắng từ lâu. Quê hương này đang thực sự phai tàn đi, chúng ta đều nhìn thấy.


Dù bạn sống ở thị thành hay thôn quê, ở đồng bằng, núi cao hay vùng biển đảo, ở miền nào trên khắp mảnh đất trải dài này, bạn đều có thể nhìn thấy mõi ngày sự phai tàn lầm lũi của quê hương. Không chỉ miền Trung đang ngập trong hoành hành bão lũ, miền Bắc cũng đang gánh chịu khí hậu đổi thay nặng nề khi trải qua một mùa nóng cực hạn, gió mùa về muộn chừng một tháng, báo hiệu một mùa đông kỳ lạ phía trước. Miền Nam dĩ nhiên cũng không khá hơn, sau đợt mất mùa vì hạn hán, lại đến ngập mặn và xâm thực. Rồi không chỉ ở thôn quê, ngay giữa những thành thị sầm uất nhất trên khắp trên đất nước, một ngày ngẫu nhiên nào ra khỏi nhà cũng hoàn toàn có thể phải đối mặt với khói bụi phủ kín đầu hay nước ngập ngang lưng.


Có thể bạn không tin rằng ở kiếp này có thể chứng kiến băng tan ở hai đầu cực, biển dâng lên rồi nhấn chìm cả quê hương mình xuống đáy sâu, nhưng điều đó thực sự vẫn diễn ra từng ngày. Bạn cứu trợ cho người miền Trung vào năm trước, năm nay và cả những năm sau. Nhưng cũng như con ếch đang bơi trong nồi nước đang nóng dần trên bếp, khi nước đã sôi rồi thì ai còn có thể cứu trợ được cho ai ?


.


Tôi tin vào nhân quả, niềm tin ban sơ như con cá tin vào nước, con chim tin bầu trời. Tôi cũng tin nhân quả không gói gọn trong ý nghĩa những câu chuyện cổ tích, nghĩa là ở hiền thì gặp lành, và ngược lại. Thay vào đó, từ “nhân” trong “nhân-quả” là dành cho cả một cộng đồng người. Ở trong đó, người gieo và kẻ gặt không nhất thiết phải cùng là một. Vì vậy, phần lớn chúng ta xem tai ương người khác phải nhận không có lỗi phần mình. Điều đó trở thành sự chia rẽ lớn nhất mà loài đang người nuôi nấng, chứ không phải tôn giáo, sắc tộc hay màu da.


Cũng vì thế, một ngày nào đó khi ta nhận một điều khổ đau từ đâu rơi xuống, ta chẳng còn biết được đó là lỗi do ai, và rồi ta có thể làm gì để sửa lại.

Mọi thứ giăng mắc và đan cài vào nhau khiến chúng ta mất đi khả năng phân định rõ ai là người gieo và ai là kẻ gặt, từ đó cũng chỉ có thể bất định về tương lai chính mình. Ai đó gọi bất hạnh xảy đến trước mắt là số mệnh, điều này có thể đúng, nhưng đó không phải số mệnh riêng lẻ của một ai, khi chúng ta đều đang gieo và đồng thời cũng đang gặt cùng nhau.


Những người giàu không chặt cây rừng, họ thuê người nghèo làm chuyện đó. Người nghèo chặt cây không để xây nhà cho họ, cũng không giàu lên vì đó. Nhưng sự thật là rừng cây mất đi làm cho bão lũ quét qua tàn khốc, ai là nạn nhân đầu tiên thì chúng ta đều thấy. Tuy nhiên, nếu bây giờ người nghèo đang đau khổ trước, thì không có nghĩa là người giàu sẽ được an toàn. Họ an toàn ở hôm nay thì con cái họ cũng không thể chắc ngày mai.


Chẳng có gì chắc chắn khi chúng ta sống cùng nhau trong một quê hương đang dần phai tàn.


.


Vậy bạn có thể làm gì cho miền Trung, có thể làm gì cho quê hương, và có thể làm gì cho chính mình ?


Vẫn là câu trả lời cũ, bạn chẳng thể làm gì. Nhưng may mắn chúng ta vẫn có một chọn lựa mong manh phía trước. Nếu gieo và gặt chỉ đến với một cộng đồng người thay vì những cá nhân riêng lẻ, thì chừng nào cả cộng đồng cùng gieo, sẽ có một cơ may tất cả đều gặt hái. Điều đó nói ra có vẻ như vô nghĩa, vì đã nhiều người nói, mà sự chia rẽ thì vẫn tồn tại ở đó. Nhưng nếu một người không chọn cất tiếng thì cũng sẽ chẳng có ai nghe thấy mà tiếp tục. Huống hồ, tôi càng không phải người đầu tiên.

Tôi chỉ cùng đồng thanh gieo những tiếng vọng.


Bằng tiếng vọng nhỏ bé của mình, tôi xin phép bỏ qua mọi điều xa xôi, những nghiên cứu khoa học phức tạp, tấm lưới nhân quả đan cài chằng chịt, chỉ đơn giản mong bạn trồng thêm những cái cây. Nếu bão lũ bạn đang nhìn thấy qua màn hình TV, trên báo chí mỗi ngày là kết quả của rất nhiều khu rừng nằm xuống, vậy điều gì sẽ xảy ra khi tất cả rừng đều không còn nữa ? Nếu có một cơ may nào cho chúng ta thì chính là đảo ngược điều đó.


Hãy trồng và chăm sóc những cái cây, trên bất kỳ khoảnh đất nào bạn có, bằng lòng hàm ơn thay vì sự thương hại hay thái độ ban phát. Vì chúng ta thực sự luôn sống nhờ những rừng cây.


Gửi những cái cây tới tương lai là cách duy nhất chúng ta cứu trợ cho con cháu mình. Bức tranh quê hương chỉ có thể vẽ lại một cách duy nhất bằng màu xanh của cây. Là cây rừng, cây trên mặt đất, chứ không phải cây trên mái nhà, trên ban công, hay trong những chậu xi măng..


Trả cây về cho đất là cách duy nhất giữ lại quê hương cho những thế hệ tiếp sau.


.


Thú thực tôi luôn nghĩ, chúng ta đang sống ở một thời vô cùng kỳ lạ. Nơi những sinh vật chết đi với thịt, da, lông, xương, sừng, và móng có giá trị hơn nhiều lần khi chúng còn sống. Theo cùng cách đó, những thân cây nằm xuống và xẻ nhỏ có giá trị hơn nhiều lần khi chúng được sống vươn cao.


Loài người tàn phá và tích trữ, với niềm tin cùng những đánh giá sai lầm về cách tồn tại của tự nhiên. Chúng ta thực ra không hề sở hữu gì ở hiện tại, thay vào đó, vay mượn từ chính tương lai của những thế hệ tiếp sau.


Cũng vì sự kỳ lạ đó, chúng ta mắc kẹt trong nghiệp báo kể cả khi không tin hoặc không thuộc về bất kỳ một tôn giáo nào. Và do đó, cũng khó lòng có thể thoát ra, mong tìm được cho giống loài sự cứu rỗi.


-House on Tree

Follow us on